Quảng Nam là một tỉnh thuộc vùng Duyên hải Nam Trung Bộ, Việt Nam có 125 km bờ biển kéo dài từ Điện Ngọc (giáp bãi biển Non Nước, thành phố Đà Nẵng) đến giáp vịnh Dung Quất (tỉnh Quảng Ngãi), với nhiều bãi tắm đẹp lý tưởng với nhiều danh lam thắng cảnh đẹp được Unesco công nhận là di sản thế giới cho nên thu hút nhiều khách du lịch trong nước và quốc tế ghé thăm. Sau đây là những điểm thăm quan không thể bỏ qua khi du lịch Quảng Nam
11.Bãi tắm cửa Đại- Hội An
Bãi Biển Cửa Đại cách trung tâm Phố Cổ Hội An khoảng 5 km là nơi con Sông Thu Bồn đổ ra biển lớn. Bãi Biển Cửa Đại được xem là “nét duyên con gái” của mẹ hiền Hội An. Suốt cả ngày lẫn đêm, Cửa Đại có một nét đẹp riêng làm đắm lòng du khách phương xa…
Biển Cửa Đại nước trong xanh, cát biển trắng. Dưới ánh nắng, biển càng thêm trong, cát càng thêm trắng. Những nhà đầu tư resort cao cấp tại đây cho biết đó là một trong những lý do để họ chọn lựa. Đây là một bãi tắm lý tưởng, rộng khoảng vài chục héc ta với dải cát trắng mịn, nước trong xanh, sóng nhỏ và luôn được mặt trời chiếu sáng. Cửa Đại là nơi thích hợp để xây dựng khu du lịch với nhiều loại hình vui chơi giải trí hẫp dẫn: tắm biển, thể thao nước, nghỉ dưỡng. Cửa Đại có nét duyên mà khách du lịch càng khám phá càng thấy hấp dẫn.
12.Bãi biển Hà My
Bãi tắm Hà My được ví như nàng tiên đang ngủ vừa được đánh thức trong vài năm gần đây. Bãi tắm này hấp dẫn khách du lịch không chỉ bởi sự hoang sơ, sạch đẹp của cát trắng, rừng dương và bầu không khí trong lành mà còn bởi nhiều loại đặc sản tươi nguyên từ lòng biển.
13.Bãi biển Tam Thanh
Cách trung tâm thành phố Tam Kỳ 07 km về phía đông, Tam Thanh là một bãi tắm sạch đẹp, trong lành. Biển Tam Thanh là nơi hội tụ đầy đủ các điều kiện cần thiết để phát triển du lịch: bãi biển đẹp với bờ cát chạy dài hàng cây số, chưa bị ô nhiễm bởi quá trình phát triển công nghiệp và nằm trong địa bàn Khu Kinh tế Mở Chu Lai đầy tiềm năng.
Bãi biển này là một trong những điểm đến hấp dẫn để quý khách lựa chọn trong hành trình khám phá những vẻ đẹp tiềm ẩn của vùng đất Quảng Nam. Bãi biển Tam Thanh luôn đầy ắp nắng và sóng biển, là địa chỉ hấp dẫn cho du khách trong những kỳ nghỉ hè.
14.Sông Thu Bồn
Qua chặng đường dài hàng trăm cây số, khi ầm ầm băng qua các ghềnh thác, khi thênh thang băng qua những đồng ruộng phì nhiêu, làng mạc trù phú, khi ghé qua những vùng kỹ nghệ phát đạt, mỗi một đoạn sông biểu hiện một dáng dấp riêng. Nhưng bất cứ ở đâu, Thu Bồn cũng là một dòng sông hài hòa sự kết hợp giữa vẻ đẹp của thiên nhiên với sự phong phú của cải được bàn tay và khối óc của người đất Quảng gây dựng.
Dòng sông Thu Bồn cũng sâu sắc lắng đọng trong ký ức và tình cảm của nhiều văn sĩ đất Quảng. Trong bài thơ “Từ vùng đất quê hương”, nhà văn Nguyễn Văn Bổng viết về dòng sông Thu Bồn: “Từ làng tôi đi Hội An thì buổi chiều ra bến trên sông Thu Bồn, xuống đò. Tối, đò nhổ, rời bến, lúc chống chèo, lúc căng buồm chạy phăng phăng trên mặt nước. Nửa đêm thức giấc, chập chờn trong tiếng hò. Tiếng hò văng vẳng đâu sau lái đò mình; ơi ới trên những chiếc khác cùng xuôi dòng sông, giọng nam nữ đối đáp nhau vang vọng giữa trăng nước…Sáng hôm sau mở mắt, đò đã cắm sào bến Hội An. Hai bên sông, bên này thị xã, bên kia Cẩm Phô, tiếng gà gáy. Trên mặt nước và đường phố tiếng rao cháo hến, khoai Tiên đỏa, mì Quảng, bánh mì mật nạm (sốt vang)”. Con sông Thu Bồn có màu nước trong xanh, có bãi dâu bạt ngàn, có núi Thạch Bích, có nhiều câu hò, câu hát…
Biết bao cuộc chiến đấu ác liệt chống thực dân Pháp và xâm lược Mỹ đã diễn ra hai bên bờ và ngay cả trên sông này.Không kể bao nhiên chiến sĩ cách mạng, bao nhiêu bộ đội, dân quân du kích, những người dân thường yêu nước đã vĩnh viễn nằm lại trên những mảnh đất gắn bó với dòng sông. Những con người ấy trở nên bất tử. Còn dòng sông Thu Bồn thì mãi mãi tươi đẹp, như một dòng mạch tràn đầy sinh lực của mảnh đất Quảng Nam – Đà Nẵng.
15.Đèn lồng Hội An
Đến Hội An, ngoài việc tìm hiểu và chiêm ngưỡng phố cổ, thưởng thức cao lầu đặc sản hay tìm chút thư giãn với dòng nhạc cổ điển … khi màn đêm buông xuống, du khách còn được tận hưởng những sắc màu lung linh huyền ảo, trữ tình của những chiếc đèn lồng giăng kín các ngả đường vào phố cổ. Có một chút gì như là sự hoài niệm về quá khứ, rất gần mà cũng rất xa, rất thật mà cũng rất mơ hồ. Dường như không khí của một thương cảng sầm uất đang hiện về, dưới ánh đèn lồng và dưới bóng những ngôi nhà cổ đầy chất thơ.
Đèn lồng Hội An từ lâu không chỉ đem lại cho phố cổ một nét riêng độc đáo mà còn là một mặt hàng quà lưu niệm hấp dẫn đối với khách du lịch. Đèn lồng Hội An đa dạng về màu sắc, chất liệu, kiểu dáng và hình thù, từ hình tròn, bát giác, lục giác đến hình trái bí, củ tỏi giản đơn. Người Hội An rất tự hào về những chiếc đèn lồng do chính tay mình làm nên. Vào đêm trăng rằm, những chiếc đèn lồng lung linh dưới ánh trăng treo trước cửa mọi nhà. Đường phố cổ khi đó không tiếng xe, không ánh đèn điện, những chiếc đèn lồng càng lộng lẫy khoe sắc trước sự ngạc nhiên, thú vị của hàng vạn khách du lịch.
Đèn lồng Hội An khá đẹp, nhẹ và quan trọng là có thể thu gọn lại bằng cách xếp khung theo nếp để mang đi. Vì vậy không ít du khách mua vài chiếc đèn lồng như là sự lưu giữ kỷ niệm về một phố cổ nên thơ, đồng thời làm quà tặng thật ý nghĩa cho người thân. Đèn lồng Hội An đã trở thành nét văn hóa riêng của phố cổ.
16.Các làng nghề truyền thống
– Nghề làm đèn lồng Hội An:
Phố cổ Hội An cũng là vùng đất có nhiều làng nghề truyền thống rất đáng tự hào như gốm Thanh Hà, mộc Kim Bồng… nhưng làm nên dấu ấn độc đáo của khu đô thị cổ chính là nghề làm đèn lồng ở Hội An. Nghề làm đèn lồng Hội An được vinh danh là làng nghề tiêu biểu Việt Nam trong tổng số 9 làng nghề truyền thống trong cả nước được Hiệp hội Làng nghề Việt Nam phong tặng năm 2011.
-Làng Chiếu Bàn Thạch:
Từ thị trấn Nam Phước – huyện Duy Xuyên (Quảng Nam) đi về hướng Đông khoảng 5 km, du khách sẽ bắt gặp những bãi đay xanh tốt nằm dọc hai bờ hữu ngạn con sông Thu Bồn. Đây là nguồn nguyên liệu chính của làng nghề dệt chiếu Bàn Thạch.
– Làng Lụa Duy Trinh:
Làng lụa Duy Trinh nổi tiếng không kém những vùng khác. Trong lịch sử, ở thời điểm hưng thịnh của ngành trồng dâu, nuôi tằm tại địa phương, diện tích dâu lên đến 160ha và gần 200 hộ gia đình tham gia nuôi tằm, ươm tơ, dệt lụa và dệt vải. Đến thăm làng nghề, du khách sẽ được tận mắt quan sát các công đoạn và thao tác để tạo ra những dải lụa mềm mại nổi tiếng.
– Làng Trống Lâm Yên:
Khởi thuỷ về một làng nghề này thì không ai nhớ là nghề làm trống ở Lâm Yên có từ bao giờ. Từ bao đời nay khi đến những mùa lễ hội:” Cử chinh cổ” người dân Ðại Lộc nói riêng và vùng lân cận Ðiện Bàn, Duy Xuyên…thường nhắc đến câu ca:” Trống Lâm Yên– Chiêng Phước Kiều“.Đa phần các hộ làm trống ở Ấp Nam hiện nay là người họ Phan. Chỉ cần nhắc đến dòng họ này, người dân nơi đây liền liên tưởng ngay đến những người suốt ngày “khoai chiêng, gõ trống”, làm nên thứ âm thanh đặc trưng không thể lẫn so với những làng quê khác.
– Làng Gốm Thanh Hà:
Du khách đến phố cổ Hội An thường thấy các bà các chị hàng rong bày bán những con thổi hay những quà lưu niệm khác được chế tác từ đất nung. Đó chính là những món quà từ làng gốm Thanh Hà – làng gốm có hơn 500 tuổi ở Hội An.
– Làng nghề đúc đồng Phước Kiều:
Làng đúc đồng Phước Kiều (thôn Thanh Chiêm, xã Điện Phương, Điện Bàn, Quảng Nam) là làng nghề truyền thống lâu đời nhất của tỉnh Quảng Nam. Hơn 400 năm qua, những thế hệ nghệ nhân của làng nghề không những giữ được nghề mà còn đưa các sản phẩm vươn ra thế giới.
Nghề đúc đồng ở Phước Kiều được hình thành do một người tên là Dương Tiền Hiền di cư từ Thanh Hóa vào truyền dạy. Cuối thế kỉ 18, ở đây đã hình thành hai khu vực là phường tạc tượng Đông Kiều và phường chú tượng Phước Kiều. Đến đầu thế kỉ 19, triều Nguyễn sát nhập 2 phường lại thành “xã hiệu Phước Kiều”, còn được gọi là làng đúc đồng Phước Kiều.
17. Chùa Viên Giác
Chùa nguyên là chùa làng, được dời về địa điểm hiện nay vào năm Thiệu Trị nguyên niên (1841). Ngôi chùa hiện nay được đại trùng tu vào năm 1990. Thầy Thích Như Tịnh hiện làm Tri sự. Trụ trì chùa là Thượng tọa Thích Như Điển, hiện trụ trì chùa Viên Giác ở Đức. Cổng tam quan của chùa Viên Giác có hai cánh cửa sắt, chung quanh được xây tường xi măng. Trước chùa là hai hàng dừa xanh tươi. Chùa còn có hai cây đa cổ thụ phủ bóng mát quanh năm. Điện Phật được bài trí đơn giản, trang nghiêm. Chính giữa tôn trí tượng đức Phật Thích Ca thiền định trên đài sen, hai bên thờ tượng Bồ tát Quan Thế Âm và Bồ tát Địa Tạng, phía trước đặt tượng Thích Ca sơ sinh.
Cùng với các ngôi chùa cổ Chúc Thánh, Vạn Đức, Phước Lâm; chùa Viên Giác là ngôi chùa cổ nổi tiếng ở đất Quảng miền Trung.
18.Nhà cổ Tấn Ký
Đến nay chủ nhà vẫn giữ cách bày trí nội thất và sử dụng các vật dụng cổ kính có từ thời xưa. Nhiều vật chứng của thời kỳ thương mại phồn thịnh ngày xưa và sự giao lưu văn hoá giữa các dân tộc Hoa – Nhật – Việt rất phổ biến trong giai đoạn sau thế kỷ 17 hiện vẫn được giữ gìn. Đây cũng là ngôi nhà cổ đầu tiên được Bộ Văn hoá – Thông tin cấp bằng công nhận “Công trình Văn hoá” cùng hai di tích khác tại Hội An từ năm 1985.
19.Nhà thờ Trà Kiệu
Thánh đường hiện tại do linh mục Phê rô Lê Như Hảo xây vào năm 1971 với kiến trúc nhà thờ phương Tây thời kỳ ánh sáng kết hợp những nét hoa văn mang đậm tính dân tộc.
Trước cổng vào thánh đường là 2 con rồng dài 20m uốn lượn theo đường lên hành lang tầng trên vào chính điện nhà thờ.
Bên cạnh nhà thờ còn có tu viện Mến Thánh giá (xây dựng năm 1867), nhà truyền thống và nhà thờ Đức Mẹ (xây năm 1898) trên đồi cao 60m.
20.Cầu Nhật Bản
Chùa được xây dựng vào khoảng cuối thế kỷ 16, đầu thế kỷ 17 do các thương nhân Nhật Bản thực hiện.
Chùa Cầu là một di tích có kiến trúc khá đặc biệt. Mái chùa lợp ngói âm dương che kín cả cây cầu dài 12m. Chùa và cầu đều bằng gỗ sơn son chạm trổ rất công phu, mặt chùa quay về phía bờ sông. Hai đầu cầu có tượng thú bằng gỗ đứng chầu, một đầu là tượng chó, một đầu là tượng khỉ. Tương truyền đó là những con vật mà người Nhật sùng bái thờ tự từ cổ xưa. Phần gian chính giữa (gọi là chùa) thờ một tượng gỗ Bắc Đế Trấn Võ – vị thần bảo hộ xứ sở, ban niềm vui hạnh phúc cho con người, thể hiện khát vọng thiêng liêng mà con người muốn gửi gắm cùng trời đất nhằm cầu mong mọi điều tốt đẹp. Chùa được trùng tu vào các năm 1763, 1817, 1865, 1915, 1986.
Quảng Nam nơi có những con người thân thiện, điều kiện tự nhiên của Quảng Nam (thời tiết-khí hậu, địa hình, tài nguyên nước, biển) có nhiều thuận lợi để phát triển du lịch và văn hóa. Đây là điểm đến đáng chú ý khi đi du lịch miền Trung. Đặc sản làm quà chúc quý khách vui vẻ!